Là người ai cũng có những thiếu xót và lẫm lỗi. Thiếu xót và lầm lỗi với chính mình, thiếu xót và lầm lỗi với tha nhân, thiếu xót và lầm lỗi với Thiên Chúa. Trước những thiếu xót và lầm lỗi đó, con người cần được bao dung tha thứ hơn là ghen ghét hận thù. Nhưng phải bao dung tha thứ thế nào? Không phải chỉ tha một lần, hai lần, ba lần hay bảy lần mà là “bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ mãi mãi, tha thứ vô giới hạn.
Tinh thần bao dung tha thứ này được thúc đẩy bởi lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa và đó cũng là điều kiện để chúng ta lãnh nhận sự khoan dung tha thứ của Người: “Oán hờn và giận giữ là những điều ghê tởm. Ai muốn báo thù, sẽ chuốc lầy báo thù của Đức Chúa. Hãy tha thứ cho kẻ làm hại, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà lại dám xin Chúa tha thứ và chữa lành sao! Sống mà chẳng biết thương người đồng loại với mình, còn dám xin Chúa tha tội cho mình ư? Ngươi chỉ là xác thịt mà tích chứa hận thù, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ xin tha tội cho hạng người đó? Hãy nhớ ngày tận số mà chấm dứt hận thù. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác! Hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà bỏ qua lỗi lầm của người khác” (x. Hc 27,30-28,7).
Vâng, Thiên Chúa là Cha nhân từ và giàu lòng xót thương luôn sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi của chúng ta, thì chúng ta cũng phải sẵn lòng tha thứ cho người đồng loại mỗi khi xúc phạm đến chúng ta. Bởi xúc phạm của người đồng loại với chúng ta chẳng đáng là bao so với tội lỗi chúng ta phạm đến Thiên Chúa.
Để minh họa cho giáo huấn này, Chúa Giêsu đã kể cho chúng ta nghe dụ ngôn về hai con nợ: Một kẻ nợ 10.000 yến vàng, một người nợ 100 quan tiền (mỗi yến vàng thời xưa là 6.000 quan tiền. Một quan tiền tương đương với 1 ngày công. Vậy 10.000 yến vàng có giá trị là 60.000.000 quan tiền và tương đương với 60 triệu ngày công. 60 triệu quan so với 100 quan chênh lệch nhau quá nhiều).
Kẻ nợ 10.000 yến vàng (60 triệu quan tiền) đã sấp mình van xin chủ nợ: “Thưa ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Vị chủ nợ nhân từ đã chạnh lòng thương tha nợ cho anh ta. Nhưng khi ra về, anh ta đã gặp người đồng loại mắc nợ mình chỉ có 100 quan tiền, anh ta liền túm áo, bóp cổ đòi nợ. Cũng giống như anh ta, người đồng loại này xin anh ta khất nợ. Thế mà anh ta không chịu, bắt tống giam người đồng loại vào trong ngục cho đến khi trả hết nợ. Chứng kiến sự việc như vậy, mọi người buồn lắm, bèn đi kể đầu đuôi câu chuyện với người chủ nợ nhân từ. Chủ nợ nhân từ đòi anh ta đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta. Còn ngươi, sao ngươi vô cảm và độc ác thế, không biết thương xót người đồng loại như chính ta đã thương xót ngươi”. Rồi vị chủ nợ nổi cơn thịnh nộ, tống giam anh ta vào ngục cho đến ngày trả hết nợ.
Kể tới đây, Chúa Giêsu liền quả quyết: Vậy Cha của Thầy trên trời cũng cư xử với anh em đúng như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho nhau.
Phải sẵn sàng tha thứ cho nhau, tha thứ không ngừng nghỉ, tha thứ luôn luôn và tha thứ mãi mãi… Đó là đạo lý ngàn đời của Chúa. Nhưng thế gian và người đời, thì lại khích lệ và cổ võ cho lòng hận thù: “mắt đền mắt, răng đền răng; ăn miếng trả miếng”. Người ta giáo dục nhau bằng những quan niệm: “con có hiếu với cha mẹ, thì phải báo thù cho cha mẹ; người quân tử 10 năm báo thù vẫn chưa muộn”. Như thế vẫn chưa đủ, có nơi có chỗ người ta còn ‘đặt bia, dựng tượng căm thù’, để truyền lại lòng hận thù cho các thế hệ mai sau…
Giữa một môi trường ô nhiễm, sặc mùi hận thù như thế! Làm sao người với người chẳng hận thù nhau? Làm sao thế giới chẳng xảy ra chiến tranh, quốc gia chẳng nảy sinh nội chiến? Làm sao làng xã và xóm giềng chẳng cãi vã và đánh lộn lẫn nhau? Làm sao con trai con gái, mẹ chồng nàng dâu và anh em ruột thịt chẳng từ mặt nhau? Làm sao người Kitô hữu có thể sống yêu thương và tha thứ cho nhau như lời Chúa dạy được?
Dù thế gian và người đời có hận thù nhau thế nào đi chăng nữa, thì người Kitô hữu vẫn phải sống yêu thương và tha thứ cho nhau. Vì yêu thương nhau là dấu chỉ của người môn đệ Chúa và tha thứ cho nhau là điều kiện, để chúng ta lãnh nhận lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta chẳng còn là môn đệ Chúa và chẳng xứng đáng để lãnh nhận lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và tha thứ như lời Chúa dạy, để con được Chúa yêu thương và tha thứ ở đời này và đời sau. Amen.